Hình ảnh hoạt động
Thăm dò

null Tìm hiểu pháp luật: Quy định về việc ký ban hành văn bản

Tin vắn
Thứ tư, 27/05/2020, 09:14
Màu chữ Cỡ chữ
Tìm hiểu pháp luật: Quy định về việc ký ban hành văn bản

Thực hiện Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, Thời gian qua, tình hình sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày khi ban hành văn bản hành chính của các cơ quan, tổ chức đã từng bước được cải thiệt. Tuy nhiên, quy định về ký ban hành văn bản rất quan trọng lại chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm khi ban hành văn bản hành chính. Một số văn bản của cơ quan, tổ chức khi ban hành ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền không đúng thẩm quyền phải sửa đổi, hủy bỏ.
 

Theo quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định 09/2010/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư thì ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức, việc giao ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền được quy định như sau:

Đối với ký thay: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Cấp phó ký thay chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật.

Đối với ký thừa lệnh: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.

Đối với ký thừa ủy quyền: Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho một cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền (TUQ.) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký.

Ở cơ quan, tổ chức làm việc chế độ tập thể: Đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức mà theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, việc ký văn bản được quy định thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt (TM.) tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức. Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo uỷ quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách. Việc ký văn bản về những vấn đề không quan trọng khác thì người đứng đầu có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức./.

Số lượt xem: 4616

 
Thống kê truy cập
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP
Địa chỉ: 06 Nguyễn Tất Thành, P.1, TP Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3823857 - 0291.3820368 Email: stp@baclieu.gov.vn